Maria Montessori sinh ra ở Chiaravell, nước Ý, và mất tại Noordwijk, Hà Lan. Bà là phụ nữ đầu tiên tốt nghiệp Y khoa Đại học Roma (1894). Năm 1899, bà bắt đầu nghiên cứu về các vấn đề giáo dục trẻ, dựa theo một số khái niệm do bác sĩ E.Seguin khởi xướng.
 
Bác sĩ Montessori nhận thấy các phương pháp thử nghiệm thành công đối với các trẻ em có khuyết tật về tâm thần cũng có thể áp dụng cho trẻ em bình thường. Bà bắt đầu làm việc với trẻ em tại các trường tư và công lập ở Roma và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của giới cải cách.
 
Từ 1900 – 1907, Maria Montessori giảng dạy tại khoa Giáo dục nhân chủng học của Đại học Roma và được bổ nhiệm làm thanh tra các trường học của Ý vào năm 1922.
 
Bắt đầu từ thời gian này, bà viết sách về giáo dục mà bà đã khai triển. Bà thực hiện nhiều khóa huấn luyện cho các giáo viên ở Tây Ban Nha, Ấn Độ, Anh, Hà Lan, Mỹ…
 
Bác sĩ Maria Montessori là nhà giáo dục lỗi lạc của nhân loại trong thời cận đại. Những quan sát của bà về trẻ thơ khi hành nghề y đã giúp bà phân tích tinh tường phương cách học hỏi của chúng. Bà kết luận là trẻ thơ tự phát triển sự hiểu biết qua những gì chúng nhận ra trong môi trường sinh hoạt của mình. Để tìm hiểu thêm về chức năng của tâm trí trẻ thơ, bác sĩ Montessori bắt đầu trau dồi thêm các môn tâm lý và triết học vào năm 1901. Ba năm sau, bà trở thành giáo sư môn Nhân chủng học tại đại học Roma
 
Tâm nguyện cao quý giúp đỡ trẻ thơ của bà mãnh liệt đến nỗi, vào năm 1907, bà đã từ bỏ cả chức vụ giáo sư đại học lẫn nghề nghiệp y khoa để dành toàn thời gian trông nom vào chục trẻ trong một khu lao động nghèo khó nhất của thủ đô Roma. Chính nơi này bà đã sáng lập ra “Nhà trẻ thơ” (Casa Dei Bambini) đầu tiên vào năm 1907. Căn nhà lịch sử này cũng là cái nôi của phương pháp giáo dục Montessori nổi tiếng toàn cầu sau đó.
 
Phương pháp giáo dục Montessori căn bản được hình thành trên những quan sát suy luận khoa học của bà. Bà đã bị thuyết phục rừng trẻ thơ có một khả năng dễ dàng (như thể không cần cố gắng gì) để hấp thụ kiến thức từ môi trường xung quanh. Trẻ thơ, theo bà cũng có một sự thích thú không bao giờ chán trong việc vận dụng bằng tay với các vật liệu học tập. Mỗi học cụ, mỗi hoạt động trog lớp, mỗi phương pháp dạy mà bà đã phát minh đều căn cứ trên những điều bà nhận thấy trẻ có thể thực hiện một cách “tự nhiên” không cần người lớn trợ giúp. “Trẻ tự dạy chính mình” là một sự thực sâu sắc đã gợi hứng cho bà trong cuộc hành trình hang say cải tiến khoa sư phạm giáo dục trẻ thơ cũng như trong việc tập huấn cho giáo viên nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là tại Mỹ, Anh, Hà Lan và Ấn Độ.
 
Trong “Casa Dei Bambini” (tương đương với một “Day care center” ngày nay tại Mỹ) ở khu nghèo nhất Roma ấy, bà đã áp dụng lý thuyết và phương pháp dạy của mình. Các trẻ gia nhập chương trình học của bà lúc đầu rất phá phách và vô kỷ luật. Nhưng thật ngạc nhiên, chúng dần dần hưởng ứng lối dạy dỗ nhân bản của bà, một nhà giáo luôn luôn coi trọng chúng và khuyến khích các đồng sự cũng làm như vậy.
 
Kết quả cụ thể trong hơn 100 năm qua đã cho thấy phương pháp Montessori cung cấp cho trẻ một kinh nghiệm giáo dục tự nhiên và chân chính. Bà từng nói “Tôi nghiên cứu trẻ thơ, và chính chúng đã dạy tôi phương cách dạy chúng”. Viễn kiến của bà là rường cột cho nền giáo dục trẻ thơ hiện đại tại các nước tiên tiến. Chẳng hạn, một hệ thống học liệu dạy toán cho trẻ thơ 4-5 tuổi đã được bà soạn thảo để thăm dò mức thích thú về toán học của trẻ – ở một độ tuổi mà mọi người thường cho rằng chúng còn quá nhỏ để có thể tham gia. Bà là nhà giáo dục đầu tiên cho đóng các bàn ghế nhỏ, vừa cỡ để trẻ ngồi học thoải mái. Bà cũng tin tưởng rằng môi trường giáo dục cũng quan trọng như chính giáo dục vậy. Chính vì niềm tin này mà các trường học mang tên Montessori thường là một nơi bình an, ngăn nắp, một nơi mà trẻ thơ mến chuộng và là một cõi riêng để suy tư và học hỏi.
 
Cho tới giờ, triết lí và phương pháp giáo dục Montessori đã và đang được thử nghiệm, kiểm chứng từng giờ từng phút trên khắp thế giới. Từ Ngôi nhà của trẻ ở New York, Paris đến Làng trẻ Tây Tạng ở Dhamrasala hay những ngôi trường ở Châu Phi, từ những trung tâm dành cho trẻ em ở Torres Strait của Úc cho đến các trường mẫu giáo ở Trung Quốc hay Thái Lan… đều cho thấy các thuật ngữ xem chừng như lạ lẫm trong các tác phẩm của Maria Montessori đã trở thành kinh điển cho những ai quan tâm đến việc giáo dục trẻ em trên toàn thế giới. Chúng không hề là rào cản đối với những ai muốn tìm hiểu và áp dụng đường lối giáo dục Montessori. Phương pháp giáo dục này ngày nay đã được kiểm chứng bởi các nghiên cứu khoa học về phát triển não bộ, về thần kinh học, về tâm lí học và di truyền học…
 
Bác sĩ Maria Montessori đã qua đời hơn nửa thế kỷ nay, nhưng sự nghiệp lừng lẫy của bà vẫn đang được tiếp tục qua tổ chức Association Montessori Internationale (AMI) mà chính bà đã sáng lập tại Amsterdam (Hà Lan) từ năm 1929. Ngày nay, AMI đã có mặt tại hơn 100 quốc gia trên thế giới, góp phần tạo dựng một nền tảng thiết yếu và đích thực cho việc giáo dục trẻ nhằm xây dựng một thế giới hòa bình và tiến bộ cho con người.
 
“Trẻ độ tuổi 0-6 sở hữu một dạng trí tuệ đặc biệt – “Trí Tuệ Thẩm Thấu”. Năng lực trí tuệ vô tận đó giúp trẻ học ngôn ngữ, hoàn thiện khả năng vận động, xây dựng hệ thống trật tự nội tại. Maria Montessori qua quan sát nhận ra rằng trẻ cũng trải qua Các Giai Đoạn Nhạy Cảm trong quá trình phát triển của mình. Đó là những giai đoạn trẻ bị thu hút một cách đặc biệt đến những trải nghiệm có trong môi trường để hấp thụ kiến thức hay những kỹ năng cụ thể nào đó. Nhưng giai đoạn đó xảy ra với tất cả các em bé trên thế giới trong khoảng độ tuổi tương ứng và giúp các em dành thời gian để phát triển tối đa một kỹ năng hay hấp thụ kiến thức cụ thể.
 
Trẻ ở độ tuổi 3-6 trải qua quá trình tự xây dựng chính mình. Việc áp dụng các triết lý Montessori và các đồ dùng được thiết kế đặc biệt hỗ trợ khả năng hấp thụ kiến thức và bước tiếp trên con đường tự xây dựng chính cái tôi của mình.
 
Chương trình học 3-6 gồm 4 lĩnh vực chính: Thực hành cuộc sống, Giác quan, Ngôn ngữ và Toán học. Các hoạt động Mỹ Thuật, Âm nhạc, Khoa học, Địa lý, và Nghiên cứu Văn hóa cũng quan trọng không kém. Việc hấp thụ văn hóa là động lực phát triển chính trong giai đoạn phát triển đầu tiên.”
 
Thực hành cuộc sống
 
Các bài học thực hành cuộc sống là bước chuyển tiếp từ môi trường gia đình sang trường học sống giữa một tập thể và thực sự là những bài học giúp các em bé trở nên độc lập biết chăm sóc mình, chăm sóc mọi người và chăm sóc môi trường. Ví dụ: Một em bé học được kỹ năng rót sẽ tự rót nước cho mình khi khát, biết rót nước mời khi có khách đến nhà, biết rót nước vào lọ để cắm hoa, biết rót nước bày bàn ăn, biết rót nước khi làm các thí nghiệm khoa học, biết rót sữa khi làm bánh, lấy canh không sánh ra ngoài…
 
Những hoạt động thực hành cuộc sống trợ giúp các em hoàn thiện kỹ năng vận động, tập luyện để có được tính chính xác, nâng cao khả năng tập trung, xây dựng và nuôi dưỡng cái tôi độc lập của mình. Sau khi có cái “tôi”, trẻ mới sẵn sàng tham gia vào cái “chúng ta” khi lớn hơn và tự tin về cái tôi của mình hơn.
 
Giác quan
 
Giác quan là những công cụ của trí thông minh. Đồ dùng học tập giác quan của Montessori cụ thể hóa mọi khái niệm trừu tượng giúp trẻ tiếp nhận thông tin một cách đơn giản và rõ ràng nhất.
 
Điều đặc biệt ở Montessori là các bài học về giác quan luôn tách rời từng giác quan một để rèn luyện giác quan đó một cách tốt nhất. Các bài học luôn kèm theo đồ dùng học tập cụ thể giúp các em bé nắm được một cách rõ ràng các khái niệm trừu tượng như nhiệt độ, màu sắc, kích cỡ, vị, mùi, cao độ, trọng lượng…
 
Các bài học giác quan luôn bắt đầu bằng trải nghiệm rồi mới đến ngôn ngữ vì Maria Montessori hiểu trẻ học tốt nhất qua trải nghiệm.
 
Các bài học giác quan là một quá trình bắt đầu từ cụ thể, sau đó mở rộng trong một khoảng từ nhiều nhất đến ít nhất, lớn nhất đến nhỏ nhất,.. và luôn kết thúc bằng trò chơi vì bà hiểu các em bé có nhu cầu được chơi với các bạn. Kiến thức và ngôn ngữ được mang ra sử dụng trong trò chơi là cách tốt nhất giúp các em bé lưu giữ những khái niệm trừu tượng đó. Ví dụ các em học màu đỏ, sau đó đến các sắc đỏ khác nhau từ nhạt nhất dần dần đến đậm nhất. Bước cuối cùng các em bé sẽ ứng dụng kiến thức học được bằng cách chơi trò chơi với các bạn đi tìm tất cả các đồ có sắc đỏ trong môi trường trong nhà và ngoài vườn.
 
Các bài học giác quan giúp các em tư duy, sắp xếp thông tin trong não bộ một cách logic cụ thể như một cô thủ thư để khi cần các em biết chính xác thông tin đó nên để ở đâu và khi cần thì lấy ra dùng một cách nhanh nhất.
 
Các bài học giác quan còn giúp các em bé từ nhỏ giữ được những tố chất rất quan trọng đó là biết nhìn ra vẻ đẹp xung quanh mình và biết tận hưởng, thưởng thức nghệ thuật sau này.
 
Ngôn ngữ
 
Trẻ có thể học một hay nhiều ngôn ngữ như nhau khi có môi trường cụ thể là người nói những ngôn ngữ đó.
 
Ngôn ngữ bắt đầu bằng ngôn ngữ nói. Chỉ cần học, làm việc, sống trong một môi trường mà khi gọi tên tất cả mọi thứ các em cũng đã có một vốn vài nghìn từ. Sau đó đến ngôn ngữ viết. Maria Montessori cho rằng viết những suy nghĩ của mình ra dễ hơn đọc suy nghĩ của người khác. Đọc được không đồng nghĩa với việc hiểu được những điều mình vừa đọc. Rồi đến đọc hiểu là cuối cùng.
 
Một trong những điều xuyên suốt chương trình học của Montessori là trẻ luôn học qua trải nghiệm, học với đồ dùng thật để thực sự hiểu được kiến thức. Chỉ khi hiểu, con người mới có thể nhớ được những điều vừa học.
Ngôn ngữ nói được giới thiệu một cách cụ thể. Các bài học thính giác trợ giúp các em rèn luyện tai nghe cho các âm trong các ngôn ngữ. Các em luôn được tôn trọng, luôn được lắng nghe, sống trong môi trường trộn độ tuổi đa dạng giúp các em tiếp nhận ngôn ngữ sinh động từ xung quanh, có các tình huống sử dụng ngôn ngữ chủ động, các giờ học hát, đọc thơ, kể chuyện, chơi trò chơi ngôn và thẻ ngôn ngữ giúp các em bé luôn muốn giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ nói hiệu quả.
 
Ngôn ngữ viết được chuẩn bị gián tiếp từ khi các em mới đi học thông qua các hoạt động thực hành cuộc sống giúp các em học điều khiển các ngón tay, bàn tay, cổ tay. Rồi đến các bài học giác quan giúp các em có thể điều khiển được bàn tay đưa nhẹ nhàng thay vì ấn mạnh giúp các em điều khiển bút không ấn rách giấy. Rồi đến bộ chữ giấy ráp giúp các em có được trí nhớ cơ học giúp việc viết chữ trở nên dễ dàng và thú vị giống như những tác phẩm nghệ thuật. Khi có ngôn ngữ nói, biết tất cả các âm, các em ghép vần và viết những suy nghĩ của mình bằng những chữ cái. Khi dùng các chữ cái để thể hiện được suy nghĩ của mình cũng đồng nghĩa là các em đã biết viết.
 
Không chỉ dừng ở đó, các em học về các loại từ vựng và phân tích câu qua những trò chơi chỉ dùng ngôn ngữ nói hàng ngày và dần dần đến ngôn ngữ viết khi sẵn sàng.
 
Toán học
 
Trí tuệ toán học đã được chuẩn bị từ việc làm mọi thứ một cách chính xác từng bước một. Gọi tên chính xác mọi đồ vật, khái niệm, hình ảnh, cảm xúc … đến việc luôn luôn hoàn thành công việc để đi đến kết quả cuối cùng ngay từ khi em bé 2.5 tuổi. Khi học các bài học giác quan các em bé đã được chuẩn bị gián tiếp cho hình học, lượng giác, dãy số, hệ thập phân…rồi đến việc phân biệt giống và khác nhau.
 
Toán học là ngôn ngữ quốc tế và Maria Montessori đã biến toán học cùng những khái niệm toán học trở nên thú vị như những trò chơi.
 
Tất cả mọi khái niệm trừu tượng đều được cụ thể hóa thông qua các đồ dùng học tập để các em thực hành và khám phá. Tất cả mọi lĩnh vực của toán học như hình học, đại số, lượng giác đều được đưa vào chương trình học 3-6 một cách thông minh và giúp các em học toán một cách thích thú.
 
Văn hóa
 
Nhiệm vụ quan trọng của trẻ trong giai đoạn 3-6 là xây dựng tính cách và là một phần của nền văn hóa nơi các em sinh ra và lớn lên. Vì thế cả thế giới thu nhỏ được đưa vào trong chương trình học.
 
Các em sẽ khám phá thế giới sinh học, lịch sử, địa lý, mỹ thuật, âm nhạc, khoa học, văn hóa thế giới để trân trọng cả thế giới xung quanh mình.
 
Các em sẽ học và thực hành để trở thành những công dân có văn hóa.
 
HỌ VÀ TÊN BA MẸ *
Số điện thoại liên hệ *
Email
Ngày tháng năm sinh của bé
Khu vực đang sống