Quy định về công tác giao trẻ, nhận trẻ tại Asean School

Nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ, đề nghị cán bộ, giáo viên và quý phụ huynh thực hiện nghiêm quy định của nhà trường về công tác giao trẻ, nhận trẻ.

Điều 1. Công tác giao/nhận trẻ buổi sáng

  • Thời gian giao/nhận trẻ tại lớp từ 06h45 đến 07h45. Phụ huynh tự đưa trẻ lên lớp và trực tiếp thực hiện việc giao trẻ cho giáo viên của lớp.
  • Ngoài khung thời gian nêu trên, phụ huynh không tự đưa trẻ lên lớp mà thực hiện việc giao trẻ trực tiếp với nhân viên của nhà trường tại Phòng Lễ tân.

Điều 2. Công tác giao/nhận trẻ buổi chiều

  • Thời gian giao/nhận trẻ tại lớp từ 16h15 đến 17h00. Việc giao/nhận trẻ được thực hiện trực tiếp giữa giáo viên của lớp và phụ huynh học sinh.
  • Phụ huynh đón trẻ trước 16h15 nhận trẻ tại Phòng Lễ tân.
  • Phụ huynh đón trẻ sau 17h00 nhận trẻ tại Phòng trả trẻ muộn.

Điều 3: Trách nhiệm của cán bộ, giáo viên trong công tác giao/nhận trẻ

3.1. Trách nhiệm và nguyên tắc khi nhận trẻ từ phụ huynh:

  • Cúi người đối diện trẻ, nhìn thẳng vào trẻ và chào với bộ mặt tươi tỉnh bằng tiếng Anh “Good morning A…” hoặc bằng tiếng Việt “Cô B chào A…”. Đợi trẻ trả lời hoặc nhắc trẻ chào mình bằng tiếng Anh “Good morning teacher” hoặc bằng tiếng Việt “Con chào cô B…”.
  • Chìa hai tay ra phía trẻ để đón trẻ một cách thân mật. Hỏi thăm tình hình của trẻ và đợi trẻ trả lời hoặc hướng dẫn trẻ trả lời. Quan sát nhanh tình trạng bên ngoài và biểu hiệu tâm lý khác thường của trẻ. Trò chuyện và nhận thông tin từ phụ huynh về tình trạng của trẻ.
  • Hướng dẫn trẻ tự cởi giày dép, ba lô và cất đúng nơi quy định.
  • Hơi cúi đầu chào phụ huynh với thái độ tươi tỉnh, lịch sự và nhắc trẻ chào phụ huynh nếu trẻ quên.
  • Khi đón trẻ cán bộ, giáo viên cần nắm được các thông tin sau:
    • Tình hình sức khỏe của trẻ khi tới trường. Nếu trẻ nào có biểu hiện sốt, đau mắt hoặc những bệnh lây nhiễm khác như tiêu chảy, chân tay miệng…thì cần trao đổi với phụ huynh đưa trẻ về nhà chăm sóc.
    • Với một số trường hợp bệnh không có biểu hiện rõ ràng và chưa tìm được nguyên nhân, nhưng phụ huynh vẫn muốn gửi trẻ ở trường thì phải trao đổi kỹ với phụ huynh về biểu hiện của trẻ sau đó báo lại với bộ phận quản lí của nhà trường để có phương án xử lí kịp thời.
    • Kiểm tra lại đồ dùng cá nhân của trẻ ngay sau khi nhận trẻ. Những trẻ nào cần uống thuốc thì yêu cầu phụ huynh ghi rõ liều lượng và đầy đủ thông tin trong phiếu gửi thuốc theo mẫu của nhà trường.
    • Kiểm tra kỹ đồ dùng tư trang của trẻ để tránh nhầm lẫn cũng như không cho trẻ mang những đồ chơi có tính bạo lực vào trong lớp như súng, kiếm, dao, đồ chơi siêu nhân hoặc những loại hạt, hột nhỏ có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

3.2. Trách nhiệm và nguyên tắc khi trả trẻ cho phụ huynh:

  • Luôn đứng gần cửa ra vào của lớp, nhìn thấy phụ huynh thì hơi cúi đầr, đồng thời chào niềm nở. Gọi trẻ ra khu vực lấy đồ cá nhân để chuẩn bị ra về. Nhắc trẻ chào lễ phép phụ huynh nếu trẻ quên.
  • Hướng dẫn trẻ tự lấy đồ cá nhân và tự đi giày dép. Cúi người đối diện trẻ, nhìn thẳng vào trẻ và chào tạm biệt một cách tươi tỉnh. Dùng tay dắt trẻ tới gần phụ huynh, hơi cúi đầu chào phụ huynh với thái độ niềm nở, lịch sự.
  • Trong trường hợp trẻ mới đi học thì giáo viên phụ trách phải chủ động ra trả trẻ và báo cáo tóm tắt tình hình trong ngày của trẻ để gia đình yên tâm.
  • Trong trường hợp trẻ gặp sự cố trong ngày như trầy xước, bầm tím, đau…phải báo lại, xin lỗi phụ huynh để biết nguyên nhân cũng như cách giải quyết.
  • Tuyệt đối không trao đổi, liên lạc với phụ huynh bằng số điện thoại cá nhân (trừ trường hợp lãnh đạo nhà trường yêu cầu).
  • Tuyệt đối không trao đổi, tư vấn về phương pháp giáo dục của nhà trường cho phụ huynh mà khuyên phụ huynh gặp bộ phận quản lí chuyên môn của trường.
  • Khi có những khúc mắc không giải quyết được hoặc chưa chắc chắn về thông tin cần trao đổi với phụ huynh thì giáo viên không tự ý giải quyết, không tự ý trao đổi mà cần báo cáo lại với quản lí của nhà trường để tìm cách giải quyết.

3.3. Những nguyên tắc khi giao tiếp với phụ huynh:

  • Luôn bình tĩnh, tự tin, hòa nhã, vui vẻ, ân cần khi giao tiếp với phụ huynh.
  • Khi chào luôn đứng thẳng, hơi cúi đầu và nói lời chào với thái độ vui vẻ, lịch sự.
  • Tôn trọng tuyệt đối những thông tin cá nhân của gia đình trẻ.
  • Trao đổi những thông tin cụ thể, chính xác và trung thực nhất về trẻ (chỉ trao đổi với phụ huynh về tình hình ăn, ngủ, chơi, sinh hoạt của trẻ trên lớp).
  • Khi có những khúc mắc không giải quyết được hoặc chưa chắc chắn về thông tin cần trao đổi với phụ huynh thì giáo viên không tự ý giải quyết, không tự ý trao đổi mà cần báo cáo lại với quản lí của nhà trường để tìm cách giải quyết.
  • Khi nghe điện thoại phải luôn xưng tên để người nghe không phải hỏi lại.

Điều 4: Trách nhiệm của phụ huynh trong công tác giao/nhận trẻ

  • Thực hiện việc giao/nhận trẻ đúng giờ theo quy định tại Điều 1 và Điều 2.
  • Thực hiện việc giao/nhận trẻ tận tay cho giáo viên hoặc cán bộ được phân công và ký tên đầy đủ vào Phiếu giao/nhận trẻ hằng ngày theo quy định của trường.
  • Phụ huynh không để trẻ dưới 16 tuổi và người không có tên trong danh sách đăng kí đưa đón trẻ thực hiện việc giao/nhận trẻ. Trường hợp phụ huynh hoặc người giám hộ đã được đăng kí bận không thể thực hiện việc giao/nhận trẻ mà nhờ người khác thực hiện thay thì phụ huynh phải thông báo bằng điện thoại cho nhà trường, đồng thời gửi tin nhắn chứng thực tại thời điểm người được nhờ đó tới giao/nhận trẻ (tin nhắn chứng thực gửi vào số điện thoại 0983.831.183). Người đón thay có trách nhiệm xuất trình căn cước công dân cho cán bộ, giáo viên thực hiện nhiệm vụ giao/nhận trẻ.
  • Trao đổi với giáo viên hoặc cán bộ được phân công những biểu hiện bất thường của trẻ về tình hình sức khỏe, về ăn uống…Nếu trẻ cần uống thuốc thông thường hoặc ăn thêm đồ ăn riêng, phụ huynh cần điền đầy đủ thông tin và kí tên vào phiếu gửi thuốc và đồ ăn riêng theo mẫu của nhà trường để giáo viên thực hiện thay theo sự ủy quyền của phụ huynh.
  • Khi trẻ đi học, phụ huynh cần cho trẻ mang theo ba lô trong đó có 02 bộ quần áo mát mẻ vào mùa hè hoặc 02 bộ quần ấm, tất đi trong nhà vào mùa đông. Tất cả đồ dùng cá nhân của trẻ cần được đánh dấu tên để tránh thất lạc. Phụ huynh không cho trẻ mang đến lớp các vật dụng có thể gây nguy hiểm như kim băng, ngòi bút, đinh, hạt… không để trẻ đeo đồ trang sức bằng kim loại qúy, có giá trị (trường hợp mất nhà trường và giáo viên không chịu trách nhiệm).
  • Vì quyền lợi của tất cả các trẻ, hàng ngày nhà trường chỉ tiếp nhận trẻ khỏe mạnh bình thường đến lớp. Khi trẻ mắc bệnh nhiễm khuẩn, bệnh da liễu, bệnh dịch (sởi, quai bị, ho gà, thủy đậu, đau mắt…), sốt hoặc có triệu chứng bất thường, phụ huynh nên chăm sóc trẻ tại nhà và kịp thời đưa trẻ đi khám bệnh. Trẻ nghỉ ốm khi đi học trở lại phải qua kiểm tra y tế của nhà trường. Nếu gia đình yêu cầu cho trẻ uống thuốc tại trường, đề nghị phụ huynh điền đầy đủ thông tin vào phiếu gửi thuốc cùng hướng dẫn sử dụng thuốc theo quy định của nhà trường.
  • Trường hợp phát hiện trẻ có bất kỳ triệu chứng, dấu hiệu lạ về sức khỏe, nếu thấy cần thiết, nhà trường sẽ tiến hành cách lý trẻ và gọi điện thông báo để phụ huynh tới đón trẻ về. Trong trường hợp khẩn cấp, hoặc nếu không thể liên lạc được với phụ huynh, nhà trường có quyền thay mặt phụ huynh đưa trẻ tới cơ sở y tế để khám chữa bệnh, phụ huynh cam kết sẽ thanh toán trực tiếp hoặc hoàn trả lại toàn bộ chi phí khám chữa bệnh của trẻ cho nhà trường.
  • Phụ huynh khi đến trường đảm bảo trang phục gọn gàng, lịch sự, hành vi văn minh, giao tiếp đúng mực, phù hợp với môi trường sư phạm. Tuyệt đối không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm và xâm phạm vào thân thể của bất cứ ai, dưới bất kỳ hình thức nào.
  • Phụ huynh khi đến trường không được mang vũ khí, chất nổ, chất dễ cháy, hóa chất độc hại, những chất có mùi hôi tanh...Không được hút thuốc lá, không có mùi rượu/bia, không gây ồn ào to tiếng, không đi lại lộn xộn trong nhà trường. Không quay phim, chụp ảnh khi chưa được sự đồng ý của nhà trường.
  • Phụ huynh không được phát ngôn hay lan truyền thông tin sai lệch, không đúng sự thật và không được kiểm chứng, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và uy tín của nhà trường, làm ảnh hưởng đến tinh thần và danh dự của cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh.
  • Các phương tiện đi lại như ô tô, xe máy, xe đạp…để đúng nơi quy định theo sự chỉ dẫn của bảo vệ nhà trường. Vì sự an toàn của trẻ, nhà trường hạn chế sự ra – vào khuôn viên nhà trường trong khoảng thời gian từ 08h15 – 16h00.
  • Phụ huynh có nhu cầu gửi trẻ vào chủ nhật, đề nghị đăng ký với nhà trường trước ít nhất 02 ngày, qua số điện thoại 0204.625.6666 hoặc 0983.831.183.

Điều 5: Trách nhiệm của nhân viên bảo vệ trong công tác giao/nhận trẻ

  • Đóng/mở cổng trường, cửa thang bộ/thang máy đúng giờ theo quy định.
  • Trong khung giờ giao/nhận trẻ hằng ngày, nhân viên bảo vệ phải có mặt tại vị trí cổng trường với trang phục bảo vệ, gọn gàng, sạch sẽ và thực hiện việc chào hỏi, hướng dẫn phụ huynh với thái độ ân cần, niềm nở, chu đáo và lịch sự.
  • Chủ động nhận diện phụ huynh thường xuyên đưa, đón trẻ. Nếu phát hiện người lạ vào trong trường, bảo vệ phải mời đứng lại, hỏi rõ lý do, người cần gặp sau đó mời họ vào Phòng lễ tân để nhân viên văn phòng tiếp và hướng dẫn.
  • Chủ động nhắc nhở mọi người hiện nghiêm việc giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, không hút thuốc lá, không gây ồn ào to tiếng, không đi lại lộn xột, không quay phim, chụp ảnh trong trường.
  • Chủ động can thiệp và yêu cầu những đối tượng có hành vi cãi vã, to tiếng, gây rối, mất an ninh trật tự ra ngoài khu vực nhà trường.
  • Tuyệt đối không để phụ huynh hoặc khách vào trường khi có biểu hiện say rượu, mang theo vũ khí, chất nổ, chất dễ cháy, hóa chất độc hại, những chất có mùi hôi tanh, chất gây nghiện, các vật sắc nhọn…
  • Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung theo quy định về công tác bảo vệ.

Điều 6. Trách nhiệm của cán bộ quản lí trong công tác giao/nhận trẻ.

  • Chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện công tác giao/nhận trẻ theo đúng các nội dung của quy định này, bảo đảm công tác giao/nhận trẻ được thực hiện an toàn, thân thiện, văn minh và lịch sự.
  • Thường xuyên đôn đốn, kiểm tra, hướng dẫn và đánh giá việc thực hiện của cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường trong công tác giao/nhận trẻ.
  • Chủ động giao tiếp với phụ huynh và học sinh nhằm nắm bắt thông tin, đánh giá mức độ hài lòng, đồng thời kịp thời giải quyết các vướng mắc của phụ huynh hoặc cán bộ, giáo viên trong công tác giao/nhận trẻ.
  • Chủ động phát hiện và kịp thời xử lí những nguy cơ có thể gây mất an toàn an ninh cho trẻ, cho phụ huynh và cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường.

HỌ VÀ TÊN BA MẸ *
Số điện thoại liên hệ *
Email
Ngày tháng năm sinh của bé
Khu vực đang sống